Các bệnh không lây nhiễm (BKLN) đang là mối đe dọa lớn nhất với sức khỏe toàn cầu, gây ra số trường hợp tử vong lớn hơn tất cả các loại bệnh...
Các bệnh không lây nhiễm (BKLN) đang là mối đe dọa lớn nhất với sức khỏe toàn cầu, gây ra số trường hợp tử vong lớn hơn tất cả các loại bệnh khác cộng lại.
Tháng 9/2011, Hội nghị cấp cao Đại Hội đồng liên hiệp quốc ra tuyên bố chính trị khẳng định các BKLN chủ yếu là bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là thách thức lớn của thế kỷ XXI, làm suy giảm sự phát triển kinh tế toàn cầu và đe dọa tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
4 nhóm BKLN này có tỷ lệ mắc cao, đang ngày càng gia tăng và có chung một số yếu tố nguy cơ có thể phòng chống được là hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và ít hoạt động thể lực. Những yếu tố này sẽ dẫn tới các biến đổi sinh học gồm thừa cân-béo phì, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa đường (glucose), rối loạn chuyển hóa mỡ (lipid). Sâu xa hơn, nguyên nhân gốc rễ của sự gia tăng các yếu tố nguy cơ trên có liên quan đến các yếu tố môi trường, kinh tế, xã hội.
Tổ chức Y tế Thế giới ước đoán rằng tới năm 2020
các bệnh mạn tính sẽ chiếm gần ba phần tư số ca tử vong trên toàn thế giới và
giai đoạn 2010-2020, tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm sẽ tăng 15%
(khoảng 44 triệu trường hợp tử vong). Khu vực có số người tử vong do bệnh không
lây nhiễm cao nhất vào năm 2020 là Đông nam Á (10,4 triệu trường hợp tử vong).
Tầm quan trọng của Dinh dưỡng hợp lý trong phòng chống bệnh không lây nhiễm đã
được khẳng định. Chỉ trong vòng chưa đến 15 năm, Tổ chức Y tế Thế giới đã hai
lần (năm 1990 và năm 2003), ra báo cáo kỹ thuật tựa đề: “Chế độ ăn, dinh dưỡng
và dự phòng các bệnh không lây nhiễm”. Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 57
(năm 2004) đã thông qua chiến lược tổng quát về chế độ ăn, hoạt động thể lực và
sức khỏe
1. Bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam
Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của bệnh không lây nhiễm. Chúng ta đang đứng trước một gánh nặng “kép” về bệnh tật. Trong khi tỷ lệ mắc các bệnh do nguyên nhân nhiễm trùng đang giảm thì tỷ lệ mắc BKLN lại gia tăng ngày càng trầm trọng. Tại bệnh viện, trong khi tỷ lệ các bệnh truyền nhiễm giảm từ 55,5% năm 1976 xuống còn 19,8% năm 2010 thì tỷ lệ mắc BKLN tăng nhanh từ 42,6% lên 71,6%. Tử vong do BKLN chiếm 73% các trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong đó đứng đầu là tử vong do tim mạch (33%) và thứ 2 là do ung thư (18%).
Ở nước ta, thừa cân và béo phì đang tăng nhanh và trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng trước hết ở các đô thị. Các cuộc điều tra dịch tễ học trước năm 1995 cho thấy tỷ lệ thừa cân không đáng kể, béo phì hầu như không có. Tuy nhiên, năm 2005, kết quả điều tra dinh dưỡng trên 17. 213 đối tượng tuổi từ 25 đến 64 tại 63 tỉnh/thành phố đại diện cho 8 vùng sinh thái toàn quốc cho thấy tỷ lệ người có BMI > 23 là 16,3%, trong đó tỷ lệ người thừa cân béo phì là 6,6%. Tỷ lệ thừa cân - béo phì tăng theo tuổi, ở nữ giới cao hơn so với nam giới, ở thành thị cao hơn so với ở nông thôn. Năm 2010, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân béo phì là 10,3% và tỷ lệ béo bụng (tỷ số vòng eo/ vòng mông cao) là 40,9%. Béo bụng thường đi kèm với rối loạn phân bố mỡ cơ thể, mỡ tích tụ trong các tạng do đó gây rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp và bệnh mạch vành. Theo Tổ chức Y tế Thế giới có nhiều nguyên nhân dẫn đến béo phì trong đó thay đổi chế độ ăn uống và lối sống là quan trọng hơn cả. Sự thay đổi về chế độ ăn, lối sống và tình trạng gia tăng thừa cân - béo phì ở nước ta là dấu hiệu cảnh báo về các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng đòi hỏi việc giám sát chặt chẽ và cần có vị trí xứng đáng trong nghiên cứu và hành động. Một số bệnh không lây nhiễm khác liên quan đến dinh dưỡng cũng đang có chiều hướng gia tăng.
Trong suốt 50 năm qua, tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở người trưởng thành gia tăng nhanh chóng: năm 1960 là 1 %, năm 1976 là 1,9% đã tăng lên 11,7% năm 1992, 16,3% năm 2002 và năm 2008 là 25,1%. Tăng huyết áp thường đi kèm các rối loạn dinh dưỡng và chuyển hóa và là yếu tố nguy cơ chính của tai biến mạch não, bệnh mạch vành cùng với sự già hoá dân số và lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, chế độ ăn không hợp lý, thiếu vận động. Tỷ lệ mắc đái tháo đường ở đối tượng trên 15 tuổi vào đầu thập kỉ 90 ở Hà Nội là 1,6%, ở thành phố Hồ Chí Minh là 2,5%. Sau 10 năm (từ năm 2002 đến 2012) tỷ lệ bệnh đái tháo đường tăng gấp 2 lần (từ 2,7% lên 5,4%) ở người trưởng thành. Một thực trạng đáng quan tâm ở nước ta là hiện nay có tới 63,6% người bệnh mắc đái tháo đường trong cộng đồng không được phát hiện trong khi gánh nặng tử vong và tàn phế do đái tháo đường là rất lớn. Đái tháo đường là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nữ giới và là 1 trong 10 nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu ở nam giới. Điều quan trọng không chỉ vì tốc độ gia tăng nhanh chóng của bệnh đái tháo đường mà còn do độ tuổi mắc đái tháo đường ngày càng trẻ gây ảnh hưởng đến sức lao động và chất lượng cuộc sống của người Việt. Trên thế giới, số người bị bệnh đái tháo đường năm 2012 là 231 triệu người và sẽ tăng lên 552 triệu người vào năm 2030 chủ yếu do tập quán ăn uống và các yếu tố khác liên quan đến lối sống.
Ở các nước phát triển, phần lớn người đái tháo đường đều trên 65 tuổi, còn ở các nước đang phát triển, đa số lại ở tuổi 45 - 64 tuổi và khuynh hướng này còn tiếp tục đến năm 2025. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, số người mắc mới ung thư ở nước ta được phát hiện tăng 50%. Mỗi ngày có 350 trường hợp mắc mới ung thư được phát hiện và 190 người tử vong do ung thư. Các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới là phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, thực quản, vòm, hạch, máu, tiền liệt tuyến và khoang miệng. Các loại ung thư thường gặp ở nữ giới là vú, đại trực tràng, phế quản phổi, cổ tử cung, dạ dày, tuyến giáp, gan, buồng trứng, hạch và máu. Ung thư tiếp tục là một trong các nguyên nhân gây tử vong chính trên phạm vi toàn cầu, trong đó khoảng 42% liên quan đến chế độ ăn. Hiện nay, tình hình bệnh ung thư có được cải thiện một phần do chuẩn đoán sớm và các tiến bộ về giải pháp trị liệu.
2. Nguyên tắc dinh dưỡng dự phòng bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng dự phòng bệnh không lây nhiễm là một chế độ ăn hợp lý có căn cứ khoa học dựa trên các hiểu biết mới về vai trò của dinh dưỡng, tính đa dạng của bữa ăn và tầm quan trọng của chế độ ăn đối với sức khỏe và bệnh tật. - Trước hết, bữa ăn cần đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, đa dạng nhiều loại thực phẩm (nên có ít nhất 15 loại thực phẩm khác nhau) và đảm bảo đủ 4 nhóm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng. Nên chia lượng thực phẩm trong ngày thành nhiều bữa (3-5 bữa tùy tình trạng bệnh).
- Cần hết sức coi trọng vai trò của rau quả trong chế độ ăn hàng ngày. Đảm bảo đủ rau, quả là giải pháp chính trong phòng bệnh ung thư. Nên sử dụng đủ rau, quả quanh năm với lượng trung bình là 400g/ người/ngày. Vai trò của rau và quả chín như là nguồn các vitamin và chất khoáng đã được khẳng định. Gần đây người ta phát hiện thêm vai trò các chất sinh học quan trọng khác của rau quả, đó là các carotenoid, bioflavonoid có vai trò là các chất chống oxy hóa và phòng ngừa nhiều loại ung thư.
- Nguồn năng lượng từ chất bột đường nên cung cấp 60-65% năng lượng của cả ngày trong đó các glucid phức hợp nên chiếm ít nhất 70% chủ yếu dựa vào lương thực, khoai củ. Cần chú ý vai trò khoai củ trong chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất là để giảm bớt nguy cơ thừa cân ở các đối tượng có nguy cơ. Hạn chế các loại chất bột đường có chỉ số đường huyết cao. Giảm tiêu thụ đường đôi, đường đơn trong khẩu phần hàng ngày. Sử dụng đường đôi, đường đơn không quá 10% tổng năng lượng khẩu phần và để tốt hơn cho sức khỏe nên giảm dưới 5% tổng năng lượng khẩu phần, không tăng tiêu thụ đường đơn, đường đôi ngay cả đối với những người có mức tiêu thụ đường thấp.
- Về nhóm thực phẩm cung cấp protein: Không sử dụng quá nhiều thịt đỏ (không quá 10% năng lượng), ưu tiên ăn cá, thịt gia cầm. Nên ăn thịt vừa phải (không quá 100g/ngày/ người trưởng thành), khuyến khích ăn cá (cá có nhiều acid béo nhóm n-3 tốt cho sức khỏe tim mạch), đậu tương (nguồn protein và chất béo quí giá, nhiều hoạt chất sinh học có vai trò chống oxy hóa, chống ung thư và điều hòa chuyển hóa cholesterol), các hạt họ đậu. Sữa là một thực phẩm có giá trị cao đặc biệt là giàu canxi và riboflavin (vitamin B2). Tùy theo tình trạng bệnh mà chọn loại sữa toàn phần hoặc sữa gầy (đã lấy bớt chất béo) hoặc sữa dành riêng cho từng loại bệnh… Có thêm sữa trong chế độ ăn hàng ngày phù hợp với tình trạng sức khỏe và điều kiện kinh tế là rất tốt.
- Chế độ dinh dưỡng dự phòng khuyến khích một tỷ lệ cân đối giữa các nguồn chất béo động vật và thực vật: Tổng số năng lượng do chất béo nên đạt ít nhất 15% năng lượng và không vượt quá 25% năng lượng khẩu phần (trung bình nên duy trì ở mức 18- 22%). Các acid béo no không cung cấp quá 10% năng lượng, Các acid béo không no cần đảm bảo cung cấp 4-10% năng lượng. Vì vậy nên sử dụng dầu thực vật được chế biến từ các loại hạt (đậu tương, vừng, lạc) và cá mỡ (có nhiều acid béo chưa no n-3) đồng thời chú ý không tái sử dụng chất béo, dùng chất béo phù hợp với cách chế biến.
- Giảm ăn mặn: Tổng lượng muối trong khẩu phần nên dưới 5g/ngày/người trưởng thành. Đối với người có tăng huyết áp, lượng muối tiêu thụ cần hạn chế hơn so với người bình thường và cần tuân thủ chế độ ăn theo hướng dẫn của thầy thuốc. Hạn chế các thức ăn sẵn nhiều muối, các món chế biến kho mặn, ướp muối…. Xây dựng thói quen giảm ăn mặn là một thực hành dinh dưỡng tốt và cần thiết.
- Không lạm dụng rượu.
- Nên uống nước chè xanh: Các nghiên cứu gần đây nhất đều khẳng định chè
xanh là một thức uống rất có giá trị. Đó là nguồn tốt nhất của nhiều loại
flavonoid chống oxy hóa, fluor, nhiều vitamin. Nhiều bằng chứng cho thấy uống
nước chè xanh có thể phòng ngừa nhiều loại ung thư, bệnh tim mạch, sỏi thận,
sâu răng... và không có lý do gì để thay thế chè tươi bằng các thức uống có
nhiều chất ngọt. Các thực hành về ăn uống nói trên cần phối hợp với nếp sống
lành mạnh, năng động, hoạt động thể lực đều đặn, vừa sức và duy trì cân nặng ở
mức “nên có”
PGS. TS. BS. Lê Bạch Mai
Phó Viện trưởng - Viện Dinh dưỡng
Không có nhận xét nào